Vụ thu tiền ‘bảo kê’ ở Đồng Nai: Hàng trăm tiểu thương phải chung tiền

Vụ thu tiền bảo kê ở Đồng Nai: Hàng trăm tiểu thương phải chung tiền - Ảnh 1.

Người buôn bán từng phải đóng tiền “bảo kê” 50.000 đồng/ngày cho đàn em Loan “cá” mới được yên ổn làm ăn – Ảnh: A LỘC

Theo thông tin ban đầu, Phòng cảnh sát hình sự Công an Đồng Nai đã phối hợp Công an huyện Vĩnh Cửu khám xét tại nhà riêng của nghi phạm được xem là chủ mưu Lý Thị Loan (Loan “cá”, 39 tuổi). Tại đây, lực lượng công an đã thu giữ nhiều tài liệu, sổ sách thể hiện việc ghi tiền nợ của các con nợ. Ngoài ra, công an cũng khám xét nhà của nghi phạm Hoàng Thị Tuyết Nhung – được xem là giúp sức cho Loan “cá”, và thu giữ nhiều sổ ghi nợ…

Tiểu thương kể chuyện bị “bảo kê”

Ngày 6-5, PV Tuổi Trẻ đã quay trở lại khu vực cổng trước và cổng sau Công ty TNHH Changshin VN (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) và ghi nhận nơi đây vẫn có đông tiểu thương buôn bán. Mặc dù hàng trăm cảnh sát Đồng Nai vừa bắt nhóm Loan “cá” cùng đồng bọn vào ngày hôm qua nhưng hầu như không ai nhắc đến chuyện này.

Đa số mọi người đều nói có nghe qua việc nhóm Loan “cá” thu tiền bảo kê của những tiểu thương “cơ nhỡ” buôn bán trên lề đường Đồng Khởi, đoạn cổng trước Công ty Changshin và đường dẫn phía sau công ty này. Song khi được hỏi, các tiểu thương khá dè dặt và không thừa nhận việc mình bị băng nhóm của Loan thu tiền “bảo kê” mà chỉ đóng tiền rác.

Bà T., tiểu thương buôn bán trước cổng Công ty Changshin, cho biết bà cùng con gái đã bán nhu yếu phẩm tại đây được gần 10 năm. Mỗi ngày bà phải đóng 5.000 đồng “tiền rác”, nhưng bà T. khẳng định chỉ nghe nói người thu tiền là nhân viên bên môi trường chứ không biết cụ thể.

“Tầm 4h chiều có một phụ nữ khoảng 35-40 tuổi đến thu tiền rác. Đến tối họ quét dọn, thu gom rác để ra lề đường cho xe rác chở đi. Tôi nghe họ nói bên công ty môi trường nhưng không thấy mặc đồng phục gì cả, thu tiền cũng không đưa hóa đơn” – bà T. thuật lại.

Một tiểu thương khác buôn bán tại cổng trước Công ty Changshin (xin không nêu tên) cho biết ngoài tiền rác, tiểu thương này còn phải đóng tiền “chỗ bán” với giá 15.000 đồng/ngày/ca cho một nhóm người xăm trổ. “Cứ mỗi ca công nhân ra vào họ thu 15.000 đồng, bán ca nào thu tiền ca đó. Nếu bán 3 ca theo lịch của công nhân thì phải đóng 45.000 đồng/ngày” – tiểu thương này chia sẻ.

Trong khi đó, anh H., quê Cần Thơ, cho biết từ quê lên Đồng Nai xin việc nhưng không được. Để mưu sinh, anh H. đầu tư một sạp trái cây phía sau cổng Công ty Changshin bán cho công nhân. Theo anh H., khoảng tháng 4 có một nhóm xăm trổ đặt các tấm pallet dọc lề đường, ai muốn buôn bán phải đóng 400.000 đồng/mét ngang. “Ai không đóng tiền thì họ kéo đến không cho buôn bán, dằn mặt, thậm chí đánh đập” – anh H. nói.

Trả lời PV Tuổi Trẻ vì sao nhóm Loan “cá” có thể lộng hành ở sát Khu công nghiệp Thạnh Phú, đại tá Phạm Văn Bảy – trưởng Công an huyện Vĩnh Cửu – cho biết: “Chúng tôi có nắm chuyện người dân phản ảnh một nhóm hay đòi tiền bảo kê tiểu thương ở khu công nghiệp. Sau đó, công an huyện đã đề xuất và phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ của công an tỉnh triệt phá băng nhóm này”.

Về việc công an cơ sở, đồn công an khu công nghiệp ở gần đó có làm ngơ cho nhóm đòi tiền “bảo kê” hay không, đại tá Bảy nói: “Việc này ban chỉ huy công an huyện đang yêu cầu làm rõ trách nhiệm. Nếu sai, bao che, phải xử lý…”.

Vụ thu tiền bảo kê ở Đồng Nai: Hàng trăm tiểu thương phải chung tiền - Ảnh 2.

Chân dung Lý Thị Loan – tức Loan “cá” – được cho là chủ mưu vụ “bảo kê” – Ảnh: B.A.

Có hay không sự bao che?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, khu vực ở Công ty Changsing có hơn 700 hộ buôn bán và bán hàng rong cho vài chục ngàn công nhân tại đây.

Xác định đây là vùng đất béo bở, nhiều năm qua Loan “cá” từ Biên Hòa thông qua các mối quan hệ vươn vòi lên tận Vĩnh Cửu, kéo nhóm đàn em lên khu vực này đòi tiền “bảo kê”. Từ đây đã xảy ra những vụ đụng độ với một số nhóm thanh niên ở khu vực Bến Cá, Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu.

Khi khẳng định tên tuổi, Loan “cá” đã thao túng và cho đàn em thu tiền người bán hàng rong đứng che dù hoặc bày một chỗ ngồi (từ 1-2m2). Số tiền thu trên đầu mỗi tiểu thương từ 10.000 đồng/lần/ngày rồi dần tăng lên 50.000 đồng/lần/ngày.

Đối với các hàng quán kinh doanh quanh khu công nghiệp, đàn em của Loan “cá” đến thu tiền tháng từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng tùy loại hình kinh doanh… Loan “cá” ngoài việc đứng sau thu tiền “bảo kê” tiểu thương còn tổ chức cho vay nặng lãi nhiều năm nay ở khu vực chợ Hóa An, TP Biên Hòa. 

“Để thu tiền, uy hiếp người khác, Loan có thể sử dụng người dân tại chỗ đòi nợ, đánh đập hoặc nhờ đến nhóm thanh niên xăm mình ở khu vực Hố Nai đi thu tiền lãi, tiền gốc cho Loan…” – một người tự nhận từng là nạn nhân của Loan kể lại.

Về vụ việc này, luật sư Tô Bá Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc băng nhóm vừa bị bắt thu tiền “bảo kê” ở chợ, quán xá… đã diễn ra nhiều. Hầu hết nạn nhân là người lao động “thấp cổ bé họng”, lo sợ bị rò rỉ thông tin, bị trả thù nên không dám tố giác. “Song để trường hợp như thế này diễn ra trong một thời gian dài mà không bị phát hiện cần phải đặt ra vai trò của cơ quan công an, cụ thể là cảnh sát khu vực và chính quyền nơi xảy ra sự việc. Liệu có sự tiếp tay hay bao che hay không?…” – ông Thanh đặt vấn đề.

Có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản

Theo luật sư Thanh, quy định của Bộ luật hình sự, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

“Ở đây, Loan “cá” cùng đồng phạm dùng vũ lực đe dọa, buộc các tiểu thương buôn bán tự phát tại đây phải nộp tiền “bảo kê” tháng. Đối với những người buôn bán dạo, nhóm của Loan thu theo ngày, với số tiền 50.000 đồng/ngày, nếu không chúng không cho bán hàng tại khu vực này nữa. Hành vi của nhóm người trên có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản” – luật sư Thanh nói.

Link Nguồn bài viết


Deprecated: Function WP_Query was called with an argument that is deprecated since version 3.1.0! Hãy sử dụng ignore_sticky_posts thay cho caller_get_posts (sẽ sớm bị loại bỏ) in /home/anninh/domains/anninh.org/public_html/wp-includes/functions.php on line 5677
Bài viết liên quan