Võ sư Nguyễn Văn Chiếu: Một đời vì Việt võ đạo

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu là người đã có gần 40 năm gắn bó với Vovinam (Việt võ đạo), một môn võ nổi tiếng của người Việt. Ông đã dồn rất nhiều tâm sức của mình cho sự nghiệp phát triển Vovinam trong nước và trên thế giới.

Đón chúng tôi tại nhà riêng ở đường Phạm Thế Hiển, Quận 8, Tp.HCM là một người đàn ông áng chừng khoảng 60 tuổi, dáng người thấp đậm, vẻ mặt hiền hậu, đó chính là võ sư Nguyễn Văn Chiếu.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu đến với môn phái Vovinam từ năm 1965. Năm 21 tuổi, ông đã bắt đầu các hoạt động truyền dạy võ Vovinam trong nước. Hồi tưởng lại những ngày đầu gian khó, võ sư Nguyễn Văn Chiếu tâm sự: “Những năm 1965, 1975, các môn võ như taekwondo, judo phát triển mạnh ở Sài Gòn. Tôi là một thanh niên ham thích võ thuật nên cũng tìm đến học nhưng cảm thấy không hợp với mình. Sau đó, tôi và mấy người bạn đến xin học Vovinam với võ sư Trần Ngọc Anh. Về sau, võ sư Lê Sáng tập hợp anh em về Tổ đường của môn phái ở đường Sư Vạn Hạnh, Quận 10, Tp.HCM”.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu và chiếc Cúp xác lập kỉ lục người có đẳng cấp Vovinam cao nhất Việt Nam và thế giới (Ảnh: Nguyễn Luân)


Bộ sưu tập huân huy chương mà võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã đạt được trong quá trình
gắn bó với Vovinam – Việt võ đạo gần 40 năm qua. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu trong một thế đánh đơn đao. (Ảnh: Tư liệu)

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu tập huấn cho môn sinh thiếu nhi tại Rumani. (Ảnh: Tư liệu)

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu tập huấn cho môn sinh quốc tế tại Tây Ban Nha. (Ảnh: Tư liệu)

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu tặng hoa cho đoàn Vovinam Nga
tại Giải Vô địch Vovinam Thế giới lần thứ II tổ chức tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Hiện nay, võ sư Nguyễn Văn Chiếu là người lãnh đạo cao nhất về tinh thần của môn phái Vovinam (Việt võ đạo). Là võ sư có đẳng cấp Vovinam cao nhất Việt Nam và thế giới. Ông là Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Chủ tịch Hội Việt võ đạo Tp.HCM, Giám đốc Kĩ thuật quốc tế. Ông đã đi quảng bá, giảng dạy Vovinam tại rất nhiều nước trên thế giới như: Nga, Belarus, Tây Ban Nha, Italia, Rumani, Đức, Bỉ, Ba Lan, Pháp, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Campuchia, Mỹ…

Là người rất có cơ duyên với Vovinam lại chịu khó chăm chỉ tập luyện nên chỉ sau hai năm, tức vào năm 1967, khi mới 23 tuổi, ông đã được phong võ sư tam đẳng huyền đai và đi dạy võ ở trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong ở Tp.HCM). Năm 1969, chàng võ sư trẻ Nguyễn Văn Chiếu đã “liều mình” rời nhà ngược ra thành phố Quy Nhơn (Bình Định) để gầy dựng phong trào Vovinam ngay trên “xứ võ”.

Trong suốt 5 năm lăn lộn trên đất võ Quy Nhơn – Bình Định, trong vai trò như một giám đốc trung tâm huấn luyện phụ trách 12 câu lạc bộ Vovinam tại Bình Định, ông đã đưa phong trào Vovinam phát triển mạnh ở đây và lan dần ra các khu vực lân cận, để rồi sau đó lan tỏa khắp dải đất miền Trung từ Quảng Bình, Đà Nẵng đến Khánh Hòa, Phú Yên… Và đến nay đã phát triển mạnh mẽ ở Gia Lai, Đăk Lăk, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Hà Nội… Võ sư Nguyễn Văn Chiếu cho biết, tính đến đầu năm 2010, Vovinam đã quy tụ khoảng 60.000 môn sinh thường xuyên luyện tập trên toàn quốc.

Không chỉ tạo dựng được phong trào Vovinam phát triển mạnh ở trong nước, võ sư Nguyễn Văn Chiếu còn là một trong những người có công lớn trong việc đưa Vovinam đến với thế giới. Sau chuyến biểu diễn thành công tại Nga vào năm 1990, đến năm 1997, theo lời mời của các võ sinh tại Tây Ban Nha, ông bắt đầu ra nước ngoài dạy Vovinam. Chuyến đi Tây Ban Nha lần ấy của võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã mở đường cho hành trình chinh phục thế giới của Vovinam – Việt võ đạo.

Tính đến nay, võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã đến khoảng gần 10 nước để truyền dạy Vovinam. Theo võ sư Nguyễn Văn Chiếu, yếu tố thu hút môn sinh nước ngoài đến với Vovinam ngoài vấn đề kĩ chiến thuật còn có tính triết lí ẩn chứa sâu sắc trong môn võ này. Người nước ngoài thích Vovinam vì tính đơn giản nhưng rất logic, đòn thế dễ học mà rất khoa học, bài bản phong phú, tính ứng dụng cao. Nếu taewondo mạnh về chân, karaté mạnh về tay thì Vovinam lại là sự tổng hòa của tất cả các yếu tố.

Ngôi nhà của Võ sư Nguyễn Văn Chiếu ở Quận 8, Tp.HCM giờ đã trở thành nơi quen thuộc của các võ sinh nước ngoài mỗi khi tìm về Việt Nam trau dồi võ học. Mỗi năm, ông đón hàng chục đoàn võ sinh đến từ các nước như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Lào, Campuchia…
Tính đến nay, Vovinam đã được phổ biến rộng rãi ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều liên đoàn Vovinam ở châu Á, châu Âu, Đông Nam Á và các nước như Nga, Đức, Iran… cũng đã được thành lập.

Ngày nay, Vovinam đã trở thành môn thể thao được nhiều quốc gia công nhận và là môn võ truyền thống đầu tiên của Việt Nam được đưa vào chương trình thi đấu tại Asia Indoor Games lần III vào năm 2009. Mới đây, Vovinam đã được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 26 ở Indonesia năm 2011. Và sắp tới sẽ tiếp tục có mặt tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (ASIAN Indoor Martial Arts Games 2013). Những thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của võ sư Nguyễn Văn Chiếu, người đã hi sinh gần như cả cuộc đời cho Việt võ đạo nói riêng và võ cổ truyền Việt Nam nói chung./.

Vovinam hay còn gọi là Việt võ đạo là một môn võ do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập cách đây hơn 70 năm. Năm 1938, tại thủ đô Hà Nội, dựa trên nền tảng môn vật và võ dân tộc cùng với việc kế thừa những tinh hoa võ học của thế giới, võ sư Nguyễn Lộc đã sáng tạo nên môn phái này dựa theo nguyên lý cương – nhu phối triển. Khi võ sư Nguyễn Lộc qua đời, đệ tử chân truyền của ông là võ sư Lê Sáng đã nối tiếp và phát triển Vovinam ở miền Nam và dần dần vươn ra các nước. Từ đó đến nay đã hơn 70 năm, với biết bao thăng trầm, thách thức, Vovinam đã trở thành một môn võ được đông đảo bạn bè khắp năm châu mến mộ.


Deprecated: Function WP_Query was called with an argument that is deprecated since version 3.1.0! Hãy sử dụng ignore_sticky_posts thay cho caller_get_posts (sẽ sớm bị loại bỏ) in /home/anninh/domains/anninh.org/public_html/wp-includes/functions.php on line 5677
Bài viết liên quan