Nguyễn Thị Ngọc T. đang điều trị tại bệnh viện – Ảnh: CTV
Tối 27-4, thông tin từ Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo đình chỉ công tác đối với 4 CSGT liên quan đến vụ việc CSGT xịt hơi cay.
Đồng thời chuyển hồ sơ sang CQĐT Công an tỉnh Đồng Tháp để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, khuya 22-4 anh Tôn Quốc H., 23 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang điều khiển xe máy phía sau chở Nguyễn Thị Ngọc T., 17 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. H. được người dân phát hiện tử vong khi tông xe xuống lề đường, riêng T. ngồi phía sau bị đa chấn thương.
Theo xác minh ban đầu từ phía Công an tỉnh Đồng Tháp, trước thời điểm xảy ra tai nạn, tổ tuần tra, kiểm soát thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp tổ chức tuần tra theo kế hoạch phát hiện xe máy của H. chạy tốc độ cao nên ra hiệu lệnh dừng xe.
Tuy nhiên, người điều khiển xe không chấp hành và chèn ép tổ tuần tra, kiểm soát, gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ nên tổ công tác sử dụng bình xịt hơi cay để cảnh cáo. Thế nhưng những người điều khiển xe vẫn không chấp hành và tăng ga bỏ chạy.
Cũng theo thông tin từ Công an tỉnh Đồng Tháp, tổ công tác quyết định dừng việc truy đuổi, tiếp tục thực hiện kế hoạch tuần tra.
Sau đó, tổ công tác này mới nhận được tin báo xảy ra vụ tai nạn giao thông và người tử vong là Tôn Quốc H.. Vụ việc xịt hơi cay đã được camera giám sát của người dân ghi lại.
Theo luật sư Thái Thị Diễm Trúc – Đoàn luật sư tỉnh An Giang (luật sư đang hỗ trợ pháp lý cho gia đình H.), Nghị định 165/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, có thể thấy rằng khi CSGT làm nhiệm vụ tuần tra giao thông phải chịu sự chi phối của rất nhiều văn bản pháp luật, cũng như có rất nhiều công cụ hỗ trợ chứ không chỉ có bình xịt hơi cay.
Theo luật sư Trúc, trường hợp của nạn nhân H., nếu CSGT cho rằng H. có biểu hiện vi phạm và chống đối CSGT thì cần phát loa buộc H. dừng xe, hoặc thổi còi, thông báo cho chốt tuần tra phía trước chặn đường, cản…
Nếu sử dụng hơi cay như một công cụ hỗ trợ nhằm ngăn cản hành vi vi phạm giao thông của H. là vượt mức cần thiết và gây ra cái chết của người điều khiển phương tiện.
“Cần phải xử lý hình sự hành vi này để tránh tình trạng lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Nếu cơ quan điều tra chứng minh được có thêm 1 xe CSGT từ phía sau xe H. thấy H. bị tai nạn mà không cứu giúp thì phải chịu trách nhiệm về hành vi “không cứu giúp người ở trong tình trạng nguy hiểm” theo quy định của pháp luật”, luật sư Trúc nói.