Người lao động sẽ không được làm nghề massage tại nước ngoài?

Người lao động sẽ không được làm nghề massage tại nước ngoài? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: NGUYỄN KHÁNH

Đây là quy định mới được đưa vào điều 7 dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) về các hành vi bị nghiêm cấm trong việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, danh mục công việc và khu vực người lao động không được đi làm việc ở nước ngoài được Chính phủ gửi kèm dự thảo luật này quy định. Trong đó quy định doanh nghiệp không được đưa người lao động đi nước ngoài làm những công việc: massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí; thường xuyên tiếp xúc với chất nổ, độc hại, phóng xạ; săn bắt thú dữ; công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương); công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả; khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực đang bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này, bà Nguyễn Thúy Anh – chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội – cho biết ủy ban thống nhất việc dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể các danh mục công việc và khu vực người lao động không được đi làm việc ở nước ngoài là đảm bảo tuân thủ Hiến pháp.

Tuy nhiên, việc liệt kê một số công việc theo danh mục như dự thảo, theo bà Anh, vừa thừa vừa thiếu. 

“Ví dụ: công việc massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí có phải là ngành nghề bị cấm không, khi trên thực tế hiện nay đây cũng không phải ngành nghề bị cấm ở Việt Nam, trừ công việc trá hình trái pháp luật đã bị hạn chế tại các nước”, bà Anh nói.

Bên cạnh đó, theo bà Anh, pháp luật Việt Nam đã có quy định riêng về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 

Do vậy, đề nghị Chính phủ, ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc để quy định cho phù hợp.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

– Lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài trái pháp luật.

– Đưa người lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật này.

– Cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài.

– Gây phiền hà, cản trở, sách nhiễu người lao động hoặc doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

– Phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động trong hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

– Đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vi phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của người lao động và cộng đồng hoặc không được nước tiếp nhận người lao động cho phép.

– Sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép của doanh nghiệp để hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

– Giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp không đúng quy định của luật này.

– Lợi dụng hoạt động tuyển chọn lao động, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái quy định của pháp luật.

– Tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật.

– Áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, ngoài biện pháp ký quỹ và bảo lãnh quy định tại luật này.

Link Nguồn bài viết


Deprecated: Function WP_Query was called with an argument that is deprecated since version 3.1.0! Hãy sử dụng ignore_sticky_posts thay cho caller_get_posts (sẽ sớm bị loại bỏ) in /home/anninh/domains/anninh.org/public_html/wp-includes/functions.php on line 5677
Bài viết liên quan