Cơ quan của Quốc hội đang xem xét vụ Hồ Duy Hải

Cơ quan của Quốc hội đang xem xét vụ Hồ Duy Hải - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Ảnh: LÊ KIÊN

Chiều 18-5, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo quốc tế về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa IV.

Dư luận trong nước, quốc tế rất quan tâm vụ Hồ Duy Hải

“Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, một số ĐBQH đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, xin cho biết quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này?” – phóng viên hỏi.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận vừa rồi một số ĐBQH có ý kiến gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nêu ý kiến, kiến nghị về vụ án. Ông cho biết là ngày 8-5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã có kết luận phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, quyết định giữ nguyên mức án đã được tòa sơ thẩm, phúc thẩm tuyên tử hình đối với Hồ Duy Hải.

“Ở nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát liên quan đến vấn đề này do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm phó trưởng đoàn. Sau đó, Ủy ban Tư pháp đã có kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải” – ông Phúc cho hay.

Ông nói: “Quá trình cũng cho thấy gia đình Hồ Duy Hải liên tục khiếu nại, kêu oan. Dư luận trong nước và quốc tế cũng rất quan tâm. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xử lý theo đúng quy định pháp luật”.

Phóng viên đặt câu hỏi về việc vừa qua Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, “xin hỏi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định như thế nào, có cần báo cáo Quốc hội vấn đề này không?”.

Phó tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết theo quy định của Luật thuế TNCN, khi chỉ số CPI tăng từ 20% trở lên thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Như vậy luật đã quy định cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyền quyết định trên cơ sở tờ trình của Chính phủ.

“Chính phủ xin chuyển 8 đoạn đường cao tốc Bắc – Nam từ hình thức đầu tư PPP sang hình thức đầu tư công, Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra tờ trình này, xin hỏi quan điểm cụ thể như thế nào?” – phóng viên hỏi.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh cho biết vừa qua Ủy  ban Kinh tế đã thẩm tra theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban cho rằng nếu triển khai đầu tư theo hình thức PPP thì vẫn có thể triển khai được, nếu triển khai theo hình thức đầu tư công cũng vẫn có thể triển khai được. Vừa qua có khó khăn triển khai là do dịch COVID-19.

Theo ông Sinh, nghị quyết của Quốc hội cho phép đoạn nào không triển khai theo hình thức PPP được thì có thể chuyển hình thức đầu tư sang đầu tư công, theo nghiên cứu thì chỉ một đoạn không thể tiến hành đầu tư PPP. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng chỉ nên đầu tư công một số đoạn trong số 8 đoạn này thôi.

“Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục chuẩn bị báo cáo Quốc hội để Quốc hội quyết định” – ông Sinh nói. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm là tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét kỹ tờ trình của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì sẽ trình Quốc hội xem xét.

Cơ quan của Quốc hội đang xem xét vụ Hồ Duy Hải - Ảnh 2.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng – Ảnh: LÊ KIÊN

“Kỳ họp đặc biệt”

Trình bày tại cuộc họp báo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn ĐBQH các tỉnh, thành (từ ngày 20-5 đến 29-5); đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8-6 đến 18-6).

Quốc hội sẽ xem xét báo cáo về kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước (trong đó có nội dung phòng chống dịch bệnh COVID-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế – xã hội, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh tế – xã hội).

Quốc hội sẽ xem xét luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật đê điều; Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp; Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội; Luật thanh niên (sửa đổi); Luật doanh nghiệp (sửa đổi); Luật đầu tư (sửa đổi).

Đồng thời Quốc hội cũng xem xét nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU; nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Quốc hội sẽ không tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn; quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản; các bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định.

Link Nguồn bài viết


Deprecated: Function WP_Query was called with an argument that is deprecated since version 3.1.0! Hãy sử dụng ignore_sticky_posts thay cho caller_get_posts (sẽ sớm bị loại bỏ) in /home/anninh/domains/anninh.org/public_html/wp-includes/functions.php on line 5677
Bài viết liên quan